Site icon 8LIVE

Ca khúc “Hey Jude” của The Beatles: Nhành ô liu của tình bạn

Ca khúc "Hey Jude" của The Beatles: Nhành ô liu của tình bạn - Ảnh 1.

The Beatles, như ai cũng đã biết, là một trong những nhóm nhạc được ngưỡng mộ nhất thế giới. Sự kết hợp đặc biệt giữa John Lennon và Paul McCartney, và sau đó là những giai điệu có ảnh hưởng lớn của George Harrison và Ringo Starr, vẫn tồn tại cho đến ngày nay như những điểm chạm văn hóa của cảm xúc và sáng tạo.

Đã có biết bao dị bản về nguồn gốc các ca khúc được ghi danh tác giả chung là Lennon-McCartney. Nhưng hôm nay, hãy nhắc tới một trong những ca khúc biểu tượng nhất của The Beatles mà không có bất đồng nào về quá trình sáng tác. Đó là Hey Jude.

Lời an ủi tới đứa trẻ

Đến với công chúng vào năm 1968 – như một trong những phát hành đầu tiên từ hãng Apple của chính The Beatles, Hey Jude đã nhanh chóng đứng No.1 tại nhiều quốc gia và trở thành đĩa đơn bán chạy nhất năm 1968 tại Anh, Mỹ, Australia và Canada.

Giống như nhiều sáng tác khác của The Beatles, Hey Jude được ghi tên tác giả là Lennon-McCartney – theo thỏa thuận của 2 nhạc sĩ vĩ đại từ những ngày đầu gặp gỡ.

Nhưng lần này, với Hey Jude,  vào năm 1980, Lennon đã nói thẳng: “Hey Jude là một chuỗi ca từ quá mức hay nhưng tôi không có đóng góp gì trong đó”. Việc này trở nên dễ hiểu khi McCartney tiết lộ rằng nó thực chất là một bức thư gửi cho Julian Lennon – con trai của Lennon với người vợ đầu tiên Cynthia.

Hey Jude được viết vào mùa hè năm 1968, ngay sau khi Lennon bắt đầu mối quan hệ với Yoko Ono và sau đó rời khỏi ngôi nhà từng chung sống với Cynthia, để lại cả con trai Julian khi đó mới 5 tuổi.

Cynthia vốn luôn thân thiết với các thành viên The Beatles từ cả trước khi họ nổi tiếng. Vì thế, McCartney cảm thấy quá đáng nếu cuộc chia tay đẩy mẹ con họ cứ thế “biến mất khỏi cuộc đời mình”. Thế nên, ông đã lái xe tới Weybridge thăm Cynthia và Julian, với suy nghĩ về những thay đổi trong cuộc sống của họ và con đường gập ghềnh phía trước.

“Tôi nghĩ, với tư cách là một người bạn của gia đình, tôi nên lái xe đến Weybridge và nói với họ rằng mọi thứ đều ổn: về cơ bản là để cố gắng động viên họ và xem họ thế nào” – McCartney kể lại – “Tôi đã lái xe khoảng một giờ. Tôi luôn tắt đài trong xe phòng khi có cảm hứng sáng tác”.

Đó là khi Hey Jude ra đời. “Tôi bắt đầu hát: “Này Jules – đừng khiến nó tệ đi, hãy lấy một ca khúc buồn và làm cho nó trở nên hay hơn…” – ông kể tiếp – “Đó là một thông điệp lạc quan, đầy hy vọng dành cho Julian: “Thôi nào, anh bạn, bố mẹ cháu đã ly hôn rồi. Chú biết cháu không hạnh phúc, nhưng cháu sẽ ổn thôi”.

Sau đó, ông đổi tên “Jules” thành “Jude”, để giống “một trong những nhân vật ở Oklahoma tên là Jud, và tôi thích cái tên đó”, theo McCartney.

Một tháng sau, vào ngày 26/7, McCartney cuối cùng đã chơi cho Lennon nghe ca khúc mới sáng tác của mình.

“Tôi đã hoàn thành tất thảy ở Cavendish và đang ở trong phòng nhạc trên lầu khi John Lennon và Yoko Ono đến thăm. Họ ở ngay sau tôi, bên vai phải, đứng và lắng nghe khi tôi chơi cho họ nghe. Khi tôi hát tới câu: “Mọi biến chuyển cháu cần đều có sẵn trên vai cháu rồi”, tôi nhìn qua vai mình và nói: “Tôi sẽ sửa câu đó, nó hơi lung tung. Tôi vừa ứng biến ra thôi”. Và Lennon nói: “Cậu biết cậu sẽ không làm vậy mà. Đó là câu hay nhất đấy”. Đó là kiểu hợp tác giữa chúng tôi”.

“Khi ai đó kiên quyết về một câu mà bạn định bỏ đi, nói: “Không, hãy giữ nguyên vậy”, bạn sẽ yêu câu đó gấp đôi. Câu đó từng lạc lõng, vụng về tới mức bạn suýt bỏ đi nhưng nó đã được cứu. Thế nên, nó trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Giờ đây, tôi yêu những câu từ đó” – McCartney hoài niệm – “Thời gian cho mọi thứ thêm sự tin cậy. Bạn không thể chê bai nó, nó đã làm rất tốt. Nhưng khi tôi hát nó, đó là lúc tôi nghĩ đến Lennon. Khi tôi nghe thấy mình hát đến câu đó, đó là điểm chạm xúc cảm của ca khúc”.

Hay lời động viên tới người bố?

Với đông đảo người hâm mộ The Beatles, Hey Jude cho thấy khía cạnh vô cùng gần gũi, ấm áp về Paul McCartney và Jullian Lennon.

Cynthia sau này vẫn bồi hồi khi nhớ về chuyến thăm bất ngờ đó: “Tôi rất cảm động trước sự quan tâm lo lắng thấy rõ của ông ấy về phúc lợi của chúng tôi … Trên đường đi, ông ấy đã sáng tác Hey Jude trên xe. Tôi sẽ không bao giờ quên sự quan tâm và chăm sóc của Paul McCartney khi đến thăm chúng tôi”.

Bản thân Julian Lennon vào năm 2002 đã tri ân McCartney: “Ông nói với tôi rằng ông đã nghĩ về hoàn cảnh của tôi bao năm qua, về những gì tôi phải trải qua. Paul McCartney và tôi thường đi chơi – nhiều hơn cả bố với tôi. Chúng tôi đã có một tình bạn tuyệt vời và có vẻ như có nhiều hình ảnh tôi và Paul chơi cùng nhau ở độ tuổi đó hơn là hình ảnh tôi và bố”.

Nhưng với John Lennon, Hey Jude dường như còn mang một ý nghĩa đặc biệt nữa. Lennon chia sẻ trong phỏng vấn năm 1980: “Cậu ấy nói rằng ca khúc được viết về Julian – con tôi. Cậu ấy biết tôi sắp chia tay Cynthia và rời xa Julian. Cậu ấy đã lái xe đến hỏi thăm Julian. Cậu ấy giống như một người chú của Julian vậy. Mọi người biết đấy, Paul McCartney luôn rất tử tế với trẻ con. Và thế là cậu ấy nghĩ ra Hey Jude”.

Lennon tiếp tục: “Nhưng tôi luôn nghe nó như một ca khúc về mình. Mọi người nghĩ xem… Yoko Ono vừa xuất hiện. Cậu ấy nói: “Này, Jude – này, John”. Tôi biết mình nghe giống như một trong những người hâm mộ suy diễn, nhưng mọi người cũng có thể cảm thấy nó như một ca khúc về tôi. Những câu “hãy ra ngoài và giữ lấy cô ấy đi” – trong tiềm thức cậu ấy đã nói cứ đi đi, rời xa tôi. Ở cấp độ ý thức, cậu ấy không muốn tôi đi. Thiên thần trong cậu ấy đã nói: “Phước lành cho anh”. Ác quỷ trong cậu ấy không thích điều đó chút nào vì không muốn mất đi cộng sự của mình”.

Quả thật, trong Hey Jude, những lời động viên nhân vật Jude – về thế giới phức tạp ngoài kia – được lồng ghép trong câu chuyện tình bạn. Nó vừa có giọng điệu như vỗ về một đứa trẻ, lại giống như lời nỉ non của một người bạn chân tình. Nó có thể là khoảnh khắc tình bạn dành cho con trai của bạn, một bàn tay đặt trên vai và nụ cười hiểu biết, hướng dẫn về cuộc sống sau này. Hoặc thực sự là một nhành ô liu chìa ra cho Lennon, để cố gắng kết nối với ông như họ đã từng làm trước đây.

Nhưng đó cũng là một đặc trưng trong những sáng tác của The Beatles: luôn có tính phổ quát, để mọi khán giả đều dễ dàng tìm thấy sự kết nối và an ủi trong đó. Đó là một trong những điều khiến The Beatles trở thành nhóm nhạc vĩ đại mọi thời đại.

Không chỉ là hit No.1 ở nhiều quốc gia, Hey Jude khi đó còn lập kỷ lục mọi thời đại của Billboard Hot 100 thời điểm đó khi đứng đầu suốt 9 tuần (và giữ kỷ lục này suốt 9 năm). Ca khúc bán được khoảng 9 triệu bản và ngày nay thường lọt vào các danh sách Những ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại (hiện đứng No.13 trong danh sách của Billboard Hot 100 và No.89 trong danh sách của Rolling Stone).

McCartney vẫn tiếp tục biểu diễn Hey Jude sau khi John Lennon bị ám sát vào năm 1980, để khán giả hát phần coda. Julian Lennon và McCartney sau đó đã đấu giá thành công nhiều vật phẩm lưu niệm liên quan đến quá trình sáng tác ca khúc, bao gồm bản viết tay ca khúc được bán với giá 21 tỷ đồng vào năm 2020.

Exit mobile version