Site icon 8LIVE

Hàng trăm triệu người có nguy cơ tử vong do tình trạng kháng kháng sinh toàn cầu trong 25 năm tới

Hàng trăm triệu người có nguy cơ tử vong do tình trạng kháng kháng sinh toàn cầu trong 25 năm tới - Ảnh 1.

Các bệnh do vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh có nguy cơ trực tiếp gây ra 39 triệu ca tử vong, cũng như gián tiếp gây ra 169 triệu ca tử vong trên toàn thế giới trong giai đoạn 2025 – 2050. 

Đây là dự báo của nhóm nhà khoa học quốc tế thuộc Dự án nghiên cứu toàn cầu về kháng thuốc kháng sinh. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí The Lancet ngày 16/9.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, nghiên cứu cảnh báo nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, đến năm 2050, số ca tử vong có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh sẽ lần lượt ở mức 1,91 triệu và 8,22 triệu ca mỗi năm. Các con số này tương đương với mức tăng lần lượt gần 68% và 75%/năm so với năm 2022.

Nghiên cứu đã chỉ ra số ca tử vong do kháng thuốc kháng sinh không đồng đều ở các quốc gia và lứa tuổi. Các nước thu nhập thấp và trung bình có tỷ lệ tử vong do kháng kháng sinh ở mức cao, nhất là ở các quốc gia thuộc khu vực sa mạc miền Nam châu Phi và Nam Á, đặc biệt là đối với bệnh lao kháng kháng sinh. Bên cạnh đó, tình trạng kháng thuốc kháng sinh bị xem là mối đe dọa lớn đối với người cao tuổi, trong đó số ca tử vong ở người trên 70 tuổi tăng 80% trong giai đoạn 1990-2021.

Các nhà nghiên cứu đã tổng hợp đánh giá về 22 loại sinh vật gây bệnh, 84 cách kết hợp thuốc điều trị với vi khuẩn và 11 hội chứng nhiễm trùng như viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Các ước tính này dựa trên thông tin, hồ sơ của 520 triệu người ở mọi lứa tuổi tại 204 quốc gia với nhiều nguồn khác nhau gồm dữ liệu bệnh viện, hồ sơ tử vong và dữ liệu sử dụng kháng sinh. Nhóm nghiên cứu dự báo tình trạng trên sẽ gây sức ép lên các hệ thống y tế và nền kinh tế quốc gia, đến năm 2030 sẽ gây thiệt hại tổng GDP từ 1.000 – 3.400 tỷ USD mỗi năm. Nghiên cứu được công bố trước thềm cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 26/9 cũng liên quan đến vấn đề kháng kháng sinh.

Bà Dame Sally Davies, đặc phái viên về tình trạng kháng thuốc kháng sinh của Anh kiêm thành viên Nhóm điều phối liên ngành của Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề này, nhận định nghiên cứu mang tính bước ngoặt cho thấy thế giới đang đối mặt với với tình trạng khẩn cấp về kháng sinh, gây tổn thất lớn về sinh mạng trên toàn cầu.

Tại Pháp, năm 2023, Bộ Y tế Công cộng Pháp cho biết số đơn thuốc kháng sinh đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là việc sử dụng kháng sinh phổ rộng (không đặc hiệu cho một loại bệnh cụ thể). Nhận thức được mối đe dọa từ tình trạng kháng kháng sinh, Pháp vừa công bố lộ trình nghiên cứu, hợp tác liên bộ trong 10 năm tới nhằm giải quyết vấn đề này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn phản ứng với thuốc. Nguyên nhân là do do những thay đổi về gene ở các sinh vật này hoặc do việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc để điều trị, ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh nhiễm trùng ở người, động vật và thực vật.

Trước tình hình này, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần có sự tiếp cận dịch vụ chăm sóc tốt hơn cho các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, cung cấp các loại vaccine mới để ngăn ngừa nhiễm trùng, cũng như đưa ra các phác đồ y tế thận trọng hơn, giới hạn việc sử dụng kháng sinh với các trường hợp phù hợp. Các biện pháp này có thể giúp cứu sống được 92 triệu sinh mạng trong giai đoạn 2025-2050. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra một số giải pháp tiềm năng như phát triển các thực khuẩn thể (virus đặc biệt có khả năng ký sinh ở vi khuẩn và tiêu diệt vi khuẩn), liệu pháp miễn dịch…

Exit mobile version